Khác với nhiều loại bưởi ở Việt Nam: quả càng to sẽ càng ngon, theo lời mách nhỏ của một cô nội trợ sành ăn, tôi chọn quả bưởi vỏ mỏng nhỏ chỉ dưới 1 kg, cầm chắc tay, tròn đều. Thêm một bí quyết hẳn đã được truyền tai nhau: quả bưởi càng nhỏ, càng sần sùi nhăn nheo vì để lâu thì mùi vị sẽ càng thơm ngon, ngọt thanh mà không gắt.
Cảm nhận đầu tiên khi tách vỏ là một mùi hương mỏng nhẹ phảng phất, rất dễ chịu. Sau khi lột hết phần cùi, một màu óng vàng của tép bưởi hiện ra sau lớp vỏ lụa trông rất gợi mắt, kích thích tuyến nước bọt hoạt động. Trông quả bưởi nhỏ gọn là thế nhưng ruột bưởi rất đầy. Từng tép bưởi mọng nước rất dễ tách. Bưởi có hạt, nhưng hạt săn và nhỏ.
Theo một nhà vườn trồng bưởi ở đất Diễn, đó hẳn cũng là một nét đặc trưng không nhầm lẫn của bưởi Diễn Hà thành. Thậm chí, chủ vườn còn ví von việc thưởng thức hương vị bưởi Diễn cũng giống như thưởng trà ngon. Một chút đắng ban đầu sẽ tan dần đi để sau cùng chỉ còn lại vị ngọt hài hòa trong miệng.
Tôi mua thêm vài quả để cất ăn dần vì là tín đồ của trái cây có múi. Hơn nữa lại trót bị ghiền bởi giống bưởi quý tiến vua mang linh khí núi sông.
Bưởi Diễn rất dễ bảo quản, chỉ cần để nơi khô mát. Càng để lâu bưởi càng xuống nước, càng ngon. Dù trông quả có xấu xí và khô quắt lại nhưng múi bưởi vẫn mọng vàng. Vị ngọt vẫn thanh không gì sánh được và hương thơm vẫn quấn quýt. Nếu tôi lấy tiêu chuẩn hình thức để chọn bưởi Diễn thì hẳn là mười mươi trật lất. Mới thấy cái cốt yếu và tinh túy không bao giờ nằm ở vẻ bề ngoài.
![]()
|