Trở về đất liền
Về cuộc chiến đấu tự vệ ở Sài Gòn, trong Saigon Septembre 1945, nhà báo Trần Tấn Quốc kể: từ xế chiều 24.9.1945, một đội dân quân Việt Nam (ổ kháng chiến Bàn Cờ) tiến theo đường Verdun (đường Cách Mạng Tháng Tám bây giờ) tràn vào trung tâm Sài Gòn, chiếm chợ Bến Thành, kéo thẳng đến đại lộ Bonard (đường Lê Lợi bây giờ), xả súng bắn vào các vị trí Pháp. Mặt khác, nhiều đội dân quân Việt Nam (ổ kháng chiến Xóm Chiếu) vượt qua cầu Ông Lãnh, đổ bộ lên Sài Gòn, tiến vào đại lộ De La Somme (đường Hàm Nghi bây giờ). Súng nổ khắp nơi.
Sách Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (NXB Chính trị Quốc gia, 2010) viết: Nguyễn Hùng Phước, tên thật là Nguyễn Văn Triệu, sinh tại xã An Hòa Đông, huyện Cái Tàu Hạ, tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Được anh trai là Nguyễn Hùng Minh dìu dắt, năm 14 tuổi ông đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1937, ông được kết nạp vào Đảng tại Cần Thơ. Ông hoạt động trong các nghiệp đoàn Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu. Tháng 9.1939, ông là Bí thư Chi bộ thị xã Bạc Liêu; năm 1940 là Tỉnh ủy viên Vĩnh Long.
Anh hùng thuở trước
Sau khi trở về đất liền, tháng 10.1945, Nguyễn Hùng Phước nhận nhiệm vụ Tỉnh ủy viên, Phó giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc (nay là Công an) tỉnh Sóc Trăng, Chỉ huy trưởng Quốc vệ đội, sau đó đổi thành Bộ đội danh dự Hồ Chí Minh của Chiến khu 9 (nay là Quân khu 9), đơn vị chủ lực của chiến khu. Tại mặt trận Cầu Đen – Bồ Thảo, Nguyễn Hùng Phước chính thức được giao trách nhiệm Trưởng Quốc gia tự vệ cuộc (Giám đốc Công an) tỉnh Sóc Trăng. Đến tháng 8.1946, ông được cử làm Khu bộ phó Chiến khu 9.
Những chiến công như huyền thoại do Nguyễn Hùng Phước chỉ huy trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến khiến thực dân Pháp kinh hoàng, gọi ông là “Cọp xám miền Tây”. Hàng loạt trận tấn công được Nguyễn Hùng Phước tổ chức thắng lợi như phục kích đánh giao thông ở Cao Hội – Long Mỹ (21.3.1946) – trận giao thông chiến đầu tiên ở miền Tây Nam bộ; tập kích đến bờ biển Long Phú (20.5.1946); hóa trang tập kích kho dầu thị xã Sóc Trăng (tháng 5.1946); chống càn bảo vệ tỉnh ủy ở Trà Cú Cạn – huyện Mỹ Tư (30.5.1946)…
Tên tuổi Nguyễn Hùng Phước vượt ra khỏi vùng sông nước Chiến khu 9, ra đến tận thủ đô Hà Nội. Chuyện kể lại rằng, trong chuyến hàng vũ khí của T.Ư gửi cho Chiến khu 9 mùa mưa năm 1946 có khẩu Thompson do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng riêng Khu bộ phó Nguyễn Hùng Phước.
Không may, trong trận công đồn Nhà Đài – Vĩnh Long trên đường đi nhận vũ khí viện trợ của T.Ư, ông trúng đạn hy sinh khi mới 26 tuổi. Sinh thời, những cán bộ thời kháng chiến chống Pháp 9 năm ở Sóc Trăng thường nói: “Hiện nay còn ít người biết đến Nguyễn Hùng Phước – người anh hùng thuở trước, “hùm xám miền Tây Nam bộ!”.